Nghị định 55/2021/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 155/2016/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Pháp lệnh Cảnh sát môi trường ngày 23 tháng 12 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:

1. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 1 như sau:

“a) Các hành vi vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường;”

2. Bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 2 như sau:

“3. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm:

a) Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;

c) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư;

d) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

đ) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

e) Các đơn vị sự nghiệp công lập;

g) Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

4. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường.”

3. Sửa đổi các khoản 4, 7, 8, 10 và 11, bổ sung các khoản 14 và 15 Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi khoản 4 như sau:

“4. Thông số môi trường nguy hại trong khí thải và môi trường không khí là các thông số môi trường có tên trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh và một số thông số có tên trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải, chi tiết trong Mục II Phụ lục I kèm theo Nghị định này.”

b) Sửa đổi khoản 7 và khoản 8 như sau:

“7. Bản kế hoạch bảo vệ môi trường bao gồm: Bản kê khai các hoạt động sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường; đề án bảo vệ môi trường được xác nhận; đề án bảo vệ môi trường đơn giản; bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; bản cam kết bảo vệ môi trường và bản kế hoạch bảo vệ môi trường.

8. Báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm: báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết; báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ sở đang hoạt động; đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt; đề án bảo vệ môi trường chi tiết; báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung và báo cáo đánh giá tác động môi trường.”

c) Sửa đổi khoản 10 như sau:

“10. Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường bao gồm: Giấy xác nhận hoàn thành các nội dung của đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; Giấy xác nhận hoàn thành việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; Giấy xác nhận về việc thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trước khi đi vào vận hành chính thức; Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; Giấy xác nhận việc đã thực hiện một trong các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn trước khi đưa dự án, công trình vào vận hành chính thức và Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.”

d) Sửa đổi khoản 11 như sau:

“11. Công trình bảo vệ môi trường, gồm: công trình xử lý chất thải; công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn và công trình bảo vệ môi trường khác theo quy định.”

đ) Bổ sung khoản 14 và khoản 15 như sau:

“14. Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở được nêu trong Nghị định này là việc đình chỉ hoạt động của bộ phận, hạng mục trực tiếp gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đến mức có khả năng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

15. Chất thải rắn thông thường đặc thù được nêu trong Nghị định này bao gồm: chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động y tế; chất thải rắn từ hoạt động xây dựng; chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi; bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được làm sạch các thành phần nguy hại; bùn nạo vét từ kênh mương và các công trình thủy lợi; bùn nạo vét từ biển, sông, hồ và các vùng nước khác.”

4. Bổ sung điểm c khoản 2, các điểm o, p, q, r, s và t khoản 3 và khoản 4 Điều 4 như sau:

a) Bổ sung điểm c khoản 2 như sau:

“c) Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp hành vi vi phạm của cơ sở không gây ô nhiễm môi trường hoặc cơ sở đã chấm dứt hành vi vi phạm hoặc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Thời điểm đình chỉ hoạt động có thời hạn được tính từ thời điểm cơ quan nhà nước đã giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giao nhiệm vụ, chỉ định đơn vị hoặc lựa chọn được nhà thầu khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công.”

b) Bổ sung các điểm o, p, q, r, s và t khoản 3 như sau:

“o) Buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

p) Buộc rà soát, cải tạo công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định;

q) Buộc phải lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục hoặc thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

r) Buộc lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo quy định;

s) Buộc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

t) Buộc tháo dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.”

c) Bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, h và m khoản 3 Điều này chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ chứng minh hậu quả hoặc số lợi bất hợp pháp thu được hoặc số phí bảo vệ môi trường nộp thiếu, trốn nộp theo quy định do hành vi vi phạm hành chính, trừ trường hợp buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.”

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và sử dụng thông số môi trường để xác định hành vi vi phạm hành chính, mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; nguyên tắc xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường

1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được sử dụng để xác định hành vi vi phạm hành chính và mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khi cá nhân, tổ chức xả, thải chất thải vào môi trường; trường hợp có cả quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương thì áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (sau đây gọi chung là quy chuẩn kỹ thuật).

2. Số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường là giá trị cao nhất được xác định trên cơ sở lấy kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kết quả giám định, kiểm định, quan trắc, giám sát, đo đạc, phân tích của một trong các thông số môi trường của mẫu chất thải, mẫu môi trường xung quanh chia cho giá trị tối đa cho phép của thông số đó trong các quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Khi áp dụng hình thức phạt tiền đối với các hành vi xả nước thải (Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này) hoặc thải bụi, khí thải (Điều 15 và Điều 16 của Nghị định này) vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, nếu trong nước thải hoặc bụi, khí thải có cả các thông số môi trường nguy hại, các loại vi khuẩn, các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật hoặc giá trị pH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật thì chọn thông số tương ứng với hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao nhất của mẫu nước thải hoặc bụi, khí thải để xử phạt; trường hợp có mức phạt bằng nhau thì thông số nguy hại là thông số để xác định hành vi vi phạm.

Các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật còn lại của cùng mẫu chất thải đó sẽ bị phạt tăng thêm từ 10% đến 50% mức phạt tiền của hành vi vi phạm đã chọn đối với mỗi thông số môi trường đó nhưng tổng mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm không vượt quá mức phạt tiền tối đa.

Trường hợp một cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung có nhiều điểm xả nước thải hoặc nhiều điểm thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường bị xử phạt theo từng điểm xả, thải đó.

4. Thải lượng nước thải quy định tại Điều 13, 14 của Nghị định này là tổng khối lượng nước thải xả ra môi trường tính trong một ngày (24 giờ). Trường hợp không xác định được thải lượng nước thải thì thải lượng được tính theo lưu lượng nước thải tại thời điểm lấy mẫu nhân với 24 giờ.

5. Đối với một hành vi cùng vi phạm quy định tại Điều 9 và Điều 10 thì xử lý theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này.

6. Các hành vi quy định tại điểm 1 khoản 1, điểm 1 khoản 2 Điều 9, điểm đ khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều 10, điểm d khoản 1, điểm d khoản 2, điểm d khoản 3, điểm d khoản 4, điểm d khoản 5 Điều 11 của Nghị định này là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện và thời hiệu xử phạt được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

7. Đối với hành vi vi phạm về lập, thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đã được áp dụng hình thức xử lý theo quy định tại Điều 32 thì không áp dụng hình thức xử lý theo quy định tại Điều 9 của Nghị định này.

8. Người không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định này thì không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tương ứng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm đó.”


Hình ảnh


File tải